Những Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở, đều có nhiều năm gắn bó với công tác Hội ở địa phương, luôn gương mẫu, hết lòng vì công việc. Hưng Yên có 4 chị là điển hình tiêu biểu cho đội ngũ Chủ tịch Hội LHPN cơ sở của tỉnh Hưng Yên được biểu dương tại Chương trình “Biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc” được tổ chức vào tháng 10 vừa qua tại thủ đô Hà Nội.
Chị Đỗ Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu (Áo trắng) gắn biển mô hình “Nhà sạch - Ngõ sạch” cho hội viên thôn Vân Ngoại, xã Hồng Tiến
Chị Đỗ Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu
Là một Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở trẻ tuổi (SN 1986), chị Hoa luôn tích cực học hỏi những kiến thức mới, cách làm hay, sáng tạo và vận dụng linh hoạt cho phù hợp trong triển khai, tổ chức các hoạt động Hội tại cơ sở mình, đặc biệt là những việc mới, khó do Hội cấp trên chỉ đạo, triển khai. Năm 2023, chị Hoa đã Đạt giải Nhất Hội thi “Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII” do Hội LHPN tỉnh Hưng Yên tổ chức.
Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, đây là hoạt động với mục tiêu, ý nghĩa và cách thức triển khai có nhiều điểm mới, chị Hoa đã bàn bạc cùng tập thể BCH Hội LHPN xã rà soát, đánh giá thực trạng trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, thống nhất đưa ra những biện pháp giúp đỡ thiết thực nhất. Trực tiếp chị Hoa và các chị em trong Ban Thường vụ, BCH Hội LHPN xã và các chi hội phụ nữ đã tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của Chương trình đến toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trong xã. Với suy nghĩ cần xây dựng nguồn quỹ ổn định để hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi, chị đã hướng dẫn các chi hội nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình “Phế liệu sạch” tại 100% chi hội phụ nữ trong xã; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ các thôn đem cho, tặng rác thải vô cơ có thể tái chế, tái sử dụng, tập kết tại 1 điểm của thôn, cán bộ chi hội phân loại và bán để gây quỹ tặng cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ, Tết và năm học mới. Hiện nay, Hội LHPN xã Hồng Tiến đã vận động, kết nối nhận đỡ đầu được 4 trẻ mồ côi, duy trì bảo trợ cho 2 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền là 500.000 đồng/cháu/tháng.
Bên cạnh đó, thực hiện CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Gia đình 5 có, 3 sạch", chị Hoa đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thực hiện mô hình “Nhà sạch - Ngõ sạch”. Trong năm 2023, Hội LHPN xã Hồng Tiến đã gắn được 335 biển “Nhà sạch - Ngõ sạch” cho các hộ đạt các tiêu chí của mô hình. Ngoài ra, chị Hoa đã chỉ đạo các chi hội thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ dân vũ, bóng chuyền hơi, văn hóa văn nghệ… thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền các hoạt động của Hội qua các trang mạng xã hội của Hội phụ nữ xã… để thu hút phụ nữ tham gia hoạt động Hội.
Chị Tôn Thị Tần, Chủ tịch Hội LHPN xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm
Hơn 20 năm gắn bó với công tác phụ nữ cơ sở, trong đó có gần 10 năm giữ vai trò Chủ tịch, chị Tôn Thị Tần, Chủ tịch Hội LHPN xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm luôn gương mẫu, trách nhiệm và sáng tạo với công việc, được cán bộ, hội viên tin tưởng, yêu mến
Chị Tôn Thị Tần, Chủ tịch Hội LHPN xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm hướng dẫn hội viên làm men IMO để xử lý rác hữu cơ
Chị Tần chia sẻ: “Muốn phong trào phụ nữ ở cơ sở phát triển thì phải thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ cùng tham gia. Vì vậy, là người đứng đầu Hội LHPN xã, tôi luôn ý thức trách nhiệm, nỗ lực hết mình với công việc; linh động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm, chăm lo đời sống hội viên…. để mọi người thấy được vai trò, lợi ích, từ đó tham gia và gắn bó lâu dài với tổ chức Hội”
Năm 2023 thực hiện Đề án "Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026" trên địa bàn huyện Văn Lâm, chị Tần đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong xã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, trong đó Hội LHPN xã làm nòng cốt. Ngoài việc tổ chức cho hội viên được tập huấn kiến thức, hướng dẫn cách làm men IMO xử lý rác hữu cơ, chị đã tham mưu, đề xuất với UBND xã mua 150 thùng hỗ trợ cho các hộ phân loại rác thải hữu cơ, hỗ trợ 900 hộ của 2 thôn để làm men IMO… Nhờ cách làm bài bản, mô hình ngày càng có sức lan tỏa, đến nay toàn xã có 1.840/2.742 hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, đạt kết quả 67%, góp phần giảm trên 50% lượng rác thải sinh hoạt ra ngoài môi trường.
Bên cạnh đó, chị Tần luôn nắm chắc số lượng hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã, trực tiếp đến từng hộ có hoàn cảnh khó khăn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời động viện và có hình thức hỗ trợ phù hợp. Từ năm 2022 đến nay trong xã có 13 hội viên phụ nữ nghèo được hỗ trợ sinh kế; có 3 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”… Không chỉ nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác Hội, chị Tần luôn ý thức giữ lửa hạnh phúc gia đình, cùng chồng chăm lo xây dựng kinh tế, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện… Hai vợ chồng chị 11 năm liền tham gia hiến máu nhân đạo, đồng thời tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cùng tham gia hiến máu. Cá nhân chị đã 15 lần tham gia hiến máu cứu người.
Với sự điều hành sáng tạo và trách nhiệm của chị Tần, Hội LHPN xã Chỉ Đạo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội cấp trên giao, nhiều năm liền được các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen. Bản thân chị Tần nhiều năm được các cấp, các ngành khen thưởng. Năm 2022, chị được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Lâm tặng Bằng khen…
Chị Đặng Thị Tuyết Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào
Với kinh nghiệm nhiều năm làm Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, chị Hương rất tích cực, nhiệt huyết trong công tác Hội, đặc biệt là tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, phòng chống rác thải nhựa.
Chị Đặng Thị Tuyết Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào trao hỗ trợ chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho cháu Lê Thị Ngọc Bích, mồ côi bố tại tổ dân phố Văn Nhuế, phường Bần Yên Nhân
Nhận thức được tác hại do rác thải nhựa gây ra với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời hướng tới thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần. Chị Hương đã triển khai ra mắt mô hình CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần” với 100 thành viên tham gia hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tập hợp thu hút những thành viên là cán bộ, hội viên phụ nữ nòng cốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mô hình câu lạc bộ hiệu quả, chị Hương cùng Ban Chủ nhiệm đã sáng tạo đưa ra hình thức “Đôi rác lấy quà tặng”, tuyên truyền tới các thành viên cách thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu gom phế liệu để đổi lấy quà tặng. Rác hữu cơ được xử lý bằng men vi sinh IMO để làm phân bón, nước tưới cho cây trồng còn phần rác vô cơ có thể tái chế (vỏ chai nhựa, vỏ lon, thùng bìa caton…) được Ban chủ nhiệm tập hợp và bán cho cơ sở tái chế để mua quà tặng là các hộp đựng thức ăn bằng inox, thuỷ tinh, làn nhựa…, một phần dành để gây quỹ nhân đạo từ thiện giúp đỡ hội viên phụ nữ về sinh kế, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động đổi quà thực hiện hàng tháng, mỗi đợt tặng khoảng 15 - 20 phần quà cho hội viên và số tiền thu về từ rác tái chế từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Qua hoạt động của CLB, chị em thành viên đã hình thành thói quen phân loại xử lý rác ngay tại gia đình, những rác thải khó phân hủy sẽ được tập kết đưa đi xử lý tập trung đã tạo điều kiện cho địa phương giảm tải khối lượng lớn rác thải. Tuyên truyền vận động người thân gia đình, họ hàng, các hộ kinh doanh, buôn bán hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lon, hình thành thói quen mang làn đi chợ, hạn chế sử dụng các túi nilon đựng thực phẩm, đồ ăn, từng bước chuyển sang mang cặp lồng inox, bát sứ đi mua thức ăn, đồ uống.
Bên cạnh đó, chị Hương còn sáng tạo xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như các mô hình: Nuôi lợn nhựa tiết kiệm, Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông, CLB “Nữ tiểu thương văn minh”, Tổ vận động phụ nữ tham gia giám sát ATTP… được đông đảo hội viên phụ nữ trong phường tích cực tham gia, qua đó đã lan tỏa ý nghĩa các hoạt động thu hút phụ nữ tham gia hoạt động Hội.
Chị Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Đa Lộc, huyện Ân Thi
Là Chủ tịch Hội LHPN cơ sở có nhiều năm công tác Hội, với 22 năm giữ chức vụ Chủ tịch, chị Phạm Thị Phương là một cán bộ Hội năng động, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình hiệu quả tại cơ sở.
Chị Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Đa Lộc, huyện Ân Thi (đeo kính) trao hỗ trợ cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong xã
Tiêu biểu trong số đố phải kể đến mô hình “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình bằng men vi sinh IMO”. Chị đã trực tiếp đi đến các hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO. Thông qua mô hình đã thay đổi nhận thức của hội viên và Nhân dân về phân loại, xử lý rác, giảm 50% lượng rác thải ra môi trường qua đó giảm chi phí cho công tác môi trường. Ngoài ra, lượng rác hữu cơ đã qua xử lý bằng men IMO được sử dụng làm phân bón cho cây trồng giúp các hộ hội viên phụ nữ tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Hiện nay, trong xã có 9 mô hình trồng cây ăn quả, 2 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình trồng rau xanh và 3 mô hình lồng ghép trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rau xanh… Rác vô cơ có thể tái sử dụng được được thu gom và bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ các hội viên khó khăn. Qua đó, mô hình đã ngày càng lan tỏa ý nghĩa thiết thực trong hội viên và Nhân dân, giúp phong trào Hội ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, chị Phương còn hướng dẫn chị em trong các chi hội thực hiện mô hình “Tiết kiệm trong đội ngũ cán bộ Hội”, “Hũ gạo tình thương”, “Chuyển giao vật dụng gia đình”… để giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, từ hoạt động hiệu quả của các mô hình đã thăm hỏi, động viên tặng quà cho 70 lượt hội viên, phụ nữ, 26 trẻ em, 20 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà 27 tân binh trước khi lên đường nhập ngũ; hỗ trợ sinh kế cho 5 hội viên có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế. Từ những mô hình hiệu quả, thiết thực đó đã giúp hội viên phụ nữ ngày càng tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
Nguồn: Cổng Thông tin Hội LHPN Việt Nam