Chiều 14/12, TW Hội LHPN Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”. Đây là hội thảo trọng tâm sau 3 hội thảo chuyên đề tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam do Đảng đoàn TW Hội LHPN Việt Nam, Ban Tổ chức TW và Ban Dân vận TW phối hợp tổ chức.
Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Hội Khóa XIII, được tổ chức tại Hà Nội chiều 14/12
Tham dự chương trình có các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức TW; Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW; Hà Thị Nga, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Hơn 200 đại biểu là đại diện các ban, bộ, ngành, tỉnh/thành ủy, Hội LHPN các tỉnh/thành phố, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực gia đình và giới tham dự hội thảo.
Hội thảo nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dưới nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau, từ góc độ quản lý nhà nước, thực tiễn địa phương và từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Chỉ thị 21-CT/TW về công tác phụ nữ. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác phụ nữ.
Toàn cảnh chương trình
Công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận
Năm 2018, Ban Bí thư TW Đảng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW (về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) và ban hành Chỉ thị 21-CT/TW tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đã tạo thêm động lực, cơ chế cho công tác phụ nữ. Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng tại Nghị quyết 11 và Chỉ thị 21 đã xác định “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: “5 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự tích cực, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước”.
Hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam là nữ giới; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% - thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16%. Trong lĩnh vực thể dục - thể thao, thành tích của nhiều vận động viên nữ trên các đấu trường thể thao đỉnh cao đã ghi dấu ấn của Việt Nam ở khu vực và thế giới, làm nức lòng người dân trong nước.
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc hội thảo
Chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, chú trọng chăm lo phát triển tài năng nữ và nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%, dần tiệm cận với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (đến năm 2025 là 60%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Qua đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực. Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022.
Tuy nhiên, còn không ít những hạn chế, những vấn đề đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Định kiến giới, khuôn mẫu giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; lừa đảo, mất an ninh trên môi trường mạng ngày càng tinh vi, phức tạp; bạo lực gia đình; mua bán phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng đang đe dọa đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em.
Các đại biểu tham dự chương trình
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với lực lượng lao động nữ và với yêu cầu phát triển của đất nước; còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu; vẫn còn tỉnh, huyện, xã không có cán bộ nữ trong Ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ.
Bên cạnh đó, nhận thức, nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp phụ nữ đòi hỏi tổ chức Hội phải liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của phụ nữ; tiếp tục nghiên cứu cụ thể, có chiều sâu hơn để phát huy vai trò của các lực lượng phụ nữ trong xây dựng đất nước.
Phát huy toàn diện vai trò của người phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW cho biết, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã đề ra những chủ trương hết sức đúng đắn về xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy vai trò của phụ nữ; coi đó là ưu tiên chiến lược trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tối đa nhân tố con người, để con người là trung tâm, chủ thể và là mục tiêu, nguồn lực, động lực quan trọng nhất của sự phát triển.
“Triển khai thực hiện những chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, công tác phụ nữ đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện; nổi bật là việc phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam, thể hiện trên các mặt sau: (1) Nhận thức về vai trò của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được nâng cao; (2) Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò và đóng góp cho đất nước, xã hội và gia đình; (3) Nguồn nhân lực nữ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm đào tạo, trọng dụng, tôn vinh”, theo ông Nguyễn Xuân Thắng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW nhấn mạnh đến những đóng góp to lớn của Hội LHPN Việt Nam trong những kết quả đạt được
Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, có được những kết quả nói trên có phần đóng góp hết sức quan trọng của Hội LHPN Việt Nam. Trong những năm qua, Hội đã có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động với phương châm: xuất phát từ cơ sở, gần cơ sở, sát cơ sở, sát từng đối tượng phụ nữ, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; tích cực phấn đấu vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ. Sự phối hợp của các cơ quan trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng hiệu quả, thể hiện trên các mặt quan trọng, như: tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; nắm bắt tư tưởng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, người lao động; xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ; tổ chức và tham gia các hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn về công tác phụ nữ…
Thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ của Chỉ thị 21 (2018) để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức TW Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia nhằm tiếp tục đánh giá sâu sắc hơn việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với công tác phụ nữ, nhất là Nghị quyết 11 (2007) về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị 21 (2018) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ trong thời đại mới, tiếp tục góp phần hiện thực hóa tốt hơn đường lối, chủ trương của Đảng, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong đời sống xã hội, đóng góp cho các mục tiêu phát triển đất nước 2025, 2030, 2045.
Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, nhìn lại Nghị quyết 11, Chỉ thị 21 cho thấy những mặt đã đạt được, đó là kế thừa truyền thống tốt đẹp, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, tham gia tích cực, có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh; nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới ngày một tốt hơn, đội ngũ cán bộ phụ nữ ngày càng trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động, quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho phụ nữ trong cuộc sống, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, nhất là Luật Bình đẳng giới, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em được quan tâm lồng ghép trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Lao động, Luật bầu cử, các luật về an ninh xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình, giáo dục, y tế...
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức TW Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia nhằm tiếp tục đánh giá sâu sắc hơn việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với công tác phụ nữ
Bên cạnh đó, ở một số nơi, nhận thức về phụ nữ và công tác phụ nữ chưa sâu sắc, toàn diện; cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, nhất là về việc làm, nghề nghiệp, tiền lương, vị trí trong xã hội, gia đình... còn khó khăn, còn định kiến giới và phân biệt đối xử; đội ngũ cán bộ nữ chưa tương xứng với yêu cầu tình hình mới; quá trình phát triển nảy sinh nhiều vấn đề mà người chịu hậu quả nhiều hơn vẫn là phụ nữ, trẻ em như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; việc phát huy vai trò phụ nữ trong quá trình phát triển chưa toàn diện; một bộ phận phụ nữ còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Khi thảo luận để thông qua Chỉ thị 21, Ban Bí thư đã nhận thấy những mặt hạn chế, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 11 chưa đạt được yêu cầu đề ra, vì vậy giữ nguyên các chỉ tiêu này và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện chủ trương của Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai nhắc lại 6 nhiệm vụ của Chỉ thị 21, tuy ngắn gọn nhưng nếu quyết tâm làm, làm có hiệu quả thì chủ trương của Đảng mới đi vào cuộc sống, đó là: (1) Nâng cao nhận thức; (2) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, nhất là đối với nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích phụ nữ nâng cao trình độ, tham gia sâu hơn vào đời sống xã hội, quá trình phát triển; (3) Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; (4) Trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ; (5) Vai trò Hội LHPN Việt Nam; (6) Trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan.
Tại hội thảo, đã diễn ra buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong tình hình hiện nay” tập trung vào các nội dung: Công tác cán bộ nữ – thực tiễn và giải pháp; Xây dựng và thực hiện các chính sách về công tác cán bộ nữ; Những vấn đề đặt ra đối với công tác cán bộ nữ hiện nay; Giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.
Tọa đàm “Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong tình hình hiện nay”
Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận đề cập các chiều cạnh khác nhau của công tác phụ nữ trong thời đại mới từ cơ quan, ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó, lựa chọn 38 tham luận để đăng Kỷ yếu hội thảo và 12 bài trình bày tại hội thảo.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam