KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế - khởi nghiệp
Đăng ngày: 06/06/2024 - Lượt xem: 436
Triển khai thành công mô hình Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi vịt thương phẩm giống CT 1234

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thành công mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm giống CT 1234 tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu. Quy mô 2.000 con với 5 hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia.

Với mục tiêu đưa giống vịt thương phẩm giống CT 1234 là giống mới đã được Cục chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ra quyết định số 257/QĐ-CN-GVN ngày 03/9/2020 về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực chăn nuôi vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các gia đình hội viên phụ nữ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm giống CT 1234 tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu. Quy mô 2.000 con với 5 hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia.

 

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở KH&CN trao hỗ trợ 2.000 con vịt giống 01 ngày tuổi cho 5 hộ gia đình thực hiện mô hình

Trên cơ sở yêu cầu của mô hình, các hộ tham gia phải có chuồng trại, có vốn đối ứng, có sức khỏe và các điều kiện khác phù hợp với nội dung, yêu cầu kỹ thuật của mô hình; chưa nhận hỗ trợ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình; có đủ trình độ, khả năng để tiếp thu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn và có nhu cầu tham gia thực hiện mô hình. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Khoái Châu khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình kinh tế, cơ sở vật chất, điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ trên địa bàn xã An Vĩ và tiến hành lựa chọn 5 hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia mô hình theo nguyên tắc: “Dân chủ, công khai”.

Để giúp hội viên phụ nữ nói chung và các hộ tham gia mô hình nói riêng nắm được nội dung hoạt động của mô hình, kỹ thuật chăn nuôi giống vịt thương phẩm giống CT 1234. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 100 hội viên phụ nữ của xã An Vĩ về  kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng, điều kiện chuồng trại, môi trường chăn nuôi...; tiến hành giao 2.000 con vịt giống 01 ngày tuổi cho 5 hộ gia đình tham gia mô hình (mỗi hộ 400 con) và hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi cho các hộ.

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt CT 1234 cho hội viên phụ nữ xã An Vĩ

Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ dân luôn được cán bộ kỹ thuật tư vấn, hướng dẫn, giám sát kỹ thuật. Cán bộ Hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở giám sát chặt chẽ. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các hộ tham gia mô hình luôn áp dụng đúng quy trình kĩ thuật chăn nuôi, môi trường chăn nuôi đều đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ nên đàn vịt phát triển tốt. Sau hơn 40 ngày chăn nuôi, trung bình trọng lượng mỗi con vịt đạt từ 2,7 đến 3kg; dự tính đến sau ngày 05/6/2024 có thể xuất bán. Theo ước tính, trung bình mỗi hộ sẽ cho thu hoạch khoảng 1,2 tấn vịt, với giá bán hiện nay trên thị trường 41 nghìn đồng/kg, cho thu nhập từ 48 đến 50 triệu đồng (trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 15 đến 20 triệu đồng/hộ).

Ngày 04/6/2024, Hội LHPN phối hợp với Sở KHCN tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị đầu bờ và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình. Trong chương trình Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Sở KHCN, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Khoái Châu, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Hội LHPN xã và 100 hội viên phụ nữ xã An Vĩ đến thăm các hộ chăn nuôi. Các đại biểu dự Hội nghị đã được nghe báo cáo đánh giá, tổng kết mô hình, các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi vịt nói chung và chăn nuôi giống vịt CT 1234 nói riêng của các hộ tham gia mô hình. Chia sẻ với đại biểu, đại diện hộ gia đình chị Trần Thị Thu Phương đã nói “Trong trồng trọt, muốn thành công thì cần có 4 tứ đó là: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; đối với chăn nuôi thì 4 tứ đó là: Nhất giống, nhì môi (môi trường), tam mồi (thức ăn), tứ quản (quản lý)”.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo Sở KH&CN kiểm tra quy trình chăn nuôi của hộ gia đình chị Trần Thị Thu Phương - Thôn Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu

Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền: UVBTV, Trưởng Ban Kinh tế - Gia đình xã hội Hội LHPN tỉnh kiểm tra quy trình chăn nuôi của hộ gia đình chị Trần Thị Hồng Thắm - Thôn Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu

 Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Văn Cường - Bí thư Đảng ủy xã An Vĩ đã đánh giá cao hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại cho các hộ chăn nuôi, đồng thời đồng chí cũng chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn xã trong thời gian tới.

Có thể khẳng định đây là một mô hình phát triển kinh tế ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi mang lại hiệu quả, phù hợp với năng lực của chị em phụ nữ có thể nhân rộng trên địa bàn huyện Khoái Châu và các địa phương khác trong tỉnh Hưng Yên góp phần tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.

Ban Kinh tế, Gia đình xã hội

 

Tin liên quan