Ngày 30 tháng 01 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 (Đề án 01).
Theo đó, Đề án xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể thực hiện như sau:
Mục tiêu tổng quát
Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.
Mục tiêu cụ thể
* Giai đoạn từ 2023 đến năm 2025:
- Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX, THT đã thành lập do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; các HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ). Tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, THT.
- 100% nữ quản lý của HTX (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị HTX; Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát) được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
- Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 03 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; tạo việc làm mới cho từ 100 lao động nữ trở lên là thành viên HTX, THT.
- 100% cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được tập huấn kiến thức; ít nhất 90% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
* Giai đoạn từ 2026 đến năm 2030:
- Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho các HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; các HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ). Tạo việc làm ổn định cho ít nhất 1.100 thành viên, lao động nữ trong HTX, THT.
- 100% nữ quản lý của HTX (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị HTX; Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát) được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
- Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 5 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.
- Trên 90% cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được tập huấn kiến thức; ít nhất 90% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Đề án cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của đề án, cụ thể là:
1. Tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về hỗ trợ phát triển KTTT
- Quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Tập trung tuyên truyền về các chính sách liên quan hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể; chính sách liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm, tham gia các hoạt động xã hội; các mô hình, điển hình phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể; vận động hội viên, phụ nữ trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
- Đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, các sản phẩm truyền thông về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể; các điển hình phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, thông qua tổ chức hội nghị tuyên truyền, xây dựng phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội... xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền định kỳ, thường xuyên trên Đài, Báo, Bản tin ...
- Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích trong xây dựng, phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ).
2. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ
- Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Hội LHPN các cấp tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh, tìm giải pháp thúc đẩy năng lực nội tại cho các HTX, THT, có biện pháp hỗ trợ đối với các HTX,THT hoạt động không hiệu quả. Chú trọng đối với các HTX, THT có ngành nghề phù hợp với thế mạnh của phụ nữ và lao động nữ (lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, đan lát, thêu ren, may mặc, thu gom rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ...); HTX gắn với đặc thù từng địa phương, làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hoá, phát huy tài nguyên bản địa; HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tham gia chuỗi cung ứng, chế biến, sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
- Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn HTX, THT xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phương án thu hút mở rộng thành viên phù hợp với các quy định hiện hành, hướng dẫn thủ tục sắp xếp, củng cố tổ chức, hoạt động để tăng hiệu quả hoạt động của các HTX, THT, tăng thu nhập cho các thành viên.
- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, THT ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phần mềm quản lý, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sản xuất, sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
- Hướng dẫn, hỗ trợ HTX, THT được tiếp cận các tổ chức tín dụng; hướng dẫn, hỗ trợ HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, phòng ngừa thiên tai, rủi ro, dịch bệnh.
- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối xúc tiến thương mại cho các HTX, THT tham gia các hội chợ, hội thảo liên kết giới thiệu quảng bá sản phẩm, các sàn giao dịch thương mại điện tử; phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, dịch vụ.
3. Hỗ trợ thành lập mới các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ
- Hướng dẫn, tư vấn cho hội viên phụ nữ về các lợi ích khi thành lập HTX; các điều kiện, ý tưởng thành lập Hợp tác xã; tìm hướng đi cho HTX, đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm của HTX.
- Hỗ trợ HTX mới được thành lập do phụ nữ tham gia quản lý một phần về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, khoa học công nghệ, bao bì đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…; (Hỗ trợ 1 lần theo Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh Hưng Yên về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025) vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Tư vấn pháp lý, hỗ trợ thủ tục thành lập HTX hội viên, phụ nữ có nhu cầu thành lập mới HTX theo hướng phát triển ngành nghề truyền thống, phát huy tài nguyên bản địa, gắn với sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện thành lập HTX, tư vấn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ về các thủ tục, quy trình thành lập tổ hợp tác; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo hình thức tổ hợp tác hay nhóm đồng sở thích do phụ nữ quản lý, điều hành.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, kết nối các HTX, THT cùng ngành, nghề, lĩnh vực để tăng cường quy mô hợp tác, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả. Cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về chính sách thương mại, nông nghiệp, dịch vụ cho các HTX, THT.
4. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ
- Tổ chức liên kết đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nữ quản lý, điều hành HTX, THT, bằng nhiều hình thức: Trực tiếp, trực tuyến, cung cấp tài liệu học tập.
- Tư vấn đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên, lao động nữ có nhu cầu việc làm tại các mô hình kinh tế tập thể. Tập trung các kiến thức, kỹ năng quản trị; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị kinh doanh, điều hành HTX; tham gia thương mại điện tử; cung cấp thông tin, phổ biến quy định pháp luật về KTTT và các lĩnh vực có liên quan; kết nối, giới thiệu việc làm, ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp, công nhân mất việc làm trong các khu công nghiệp.
- Vận động thành viên và lao động nữ tại các HTX, THT tham gia các khóa đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản phẩm sản xuất theo quy trình sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
- Tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX tại các địa phương khác cho nữ quản lý, điều hành HTX, THT, lãnh đạo các HTX tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
- Biên soạn, in ấn sổ tay về quản trị, điều hành HTX, THT tạo điều kiện cho phụ nữ quản lý, điều hành tiếp cận thông tin.
5. Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp Hội về hỗ trợ, phát triển KTTT
- Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách Hội LHPN các cấp về các hoạt động Kế hoạch thực hiện Đề án. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ Hội chịu trách nhiệm đầu mối phụ trách hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ các HTX nâng cao trình độ, năng lực quản lý và tư duy kinh tế thương mại... Hàng năm, tổ chức các khoá bồi dưỡng, tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm, giao lưu, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm.
- Phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX và các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, thống kê, giám sát, đánh giá về HTX do phụ nữ tham gia quản lý và HTX tạo việc làm cho nhiều lao động nữ trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, tham gia đề xuất chính sách hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý, điều hành; tạo việc làm cho lao động nữ; nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể.
- Hàng năm, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế tập thể.
- Nghiên cứu, hướng dẫn phối hợp với Hội Nữ doanh nhân hỗ trợ xây dựng mạng lưới nữ lãnh đạo HTX.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Tăng cường Tư vấn, kết nối, giới thiệu các sản phẩm của HTX,THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, HTX tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ra thị trường nước ngoài thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.
- Vận động nguồn lực xã hội hóa, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan với Hội LHPN các cấp trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, kết nối các HTX,THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, HTX tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ra thị trường nước ngoài.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, các cấp Hội phụ nữ cần bám sát các mục tiêu của đề án để tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng để huy động nguồn lực, lồng ghép các hoạt động của đề án vào các hoạt động của Hội để đảm bảo các chỉ tiêu của đề án đều đạt và vượt.
Ban Kinh tế - Gia đình xã hội