KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Điển hình
Đăng ngày: 11/06/2024 - Lượt xem: 632
Lan tỏa các mô hình học tập và làm theo Bác ở Hội LHPN huyện Văn Giang

Hội LHPN huyện Văn Giang hiện có 12 cơ sở Hội, 83 chi hội với trên 24 nghìn hội viên

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Văn Giang đã thường xuyên đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo gương Bác. Từ đó, đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình học tập và làm theo Bác có tính lan tỏa cao đến với cộng đồng.

Hội LHPN huyện Văn Giang hiện có 12 cơ sở Hội, 83 chi hội với trên 24 nghìn hội viên. Để việc học tập và làm theo Bác thực sự đi vào chiều sâu, trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của mỗi cá nhân, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo 100% Hội cơ sở tổ chức quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới cán bộ, hội viên phụ nữ thông qua hội nghị giao ban, sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ… Các cấp Hội có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù và trình độ của hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện như: Tuyên truyền miệng, sưu tầm những câu chuyện về tấm gương bình dị của Bác để kể trong các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức tọa đàm, hái hoa dân chủ, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hoạt động về nguồn…Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội Zalo, Faceboook của Hội để đăng tải nhiều bài viết về các mô hình, tấm gương học tập, làm theo Bác.

Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đã nhận thức sâu sắc những nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, hội viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.

Với phương châm học Bác từ những điều giản dị, nhỏ bé nhất, các cấp Hội đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động ý nghĩa, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên.

Học Bác về đức tính tiết kiệm, lòng nhân ái, Hội LHPN các cơ sở trong huyện đã xây dựng nhiều mô hình gắn thực hành tiết kiệm với hoạt động nhân đạo, từ thiện để giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như các mô hình: Nuôi lợn tiết kiệm; câu lạc bộ phụ nữ thực hành tiết kiệm chống lãng phí; kết nối thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”… Hiện nay, 100% cơ sở Hội trong huyện tham gia thực hiện các mô hình tiết kiệm, quỹ hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo thu được hàng tỷ đồng để hỗ trợ giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động hàng trăm phần quà cho hộ nghèo, khó khăn. Trong năm 2023, đã giúp 447 hộ phụ nữ thoát nghèo nhờ những mô hình hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức Hội.

Với chương trình “Mẹ đỡ đầu”, căn cứ Kế hoạch của BTV Hội LHPN tỉnh, BTV hội LHPN huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cơ sở hội trong toàn huyện, BTV Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở hội rà soát, khảo sát thực trạng, nắm nhu cầu và xác minh hoàn cảnh thực tế trẻ mồ côi, giới thiệu, kết nối để các cơ quan, đơn vị đăng ký, nhận hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hướng dẫn các cơ sở Hội huy động nguồn lực, lựa chọn hình thức đỡ đầu, hỗ trợ phù hợp với điều kiện, khả năng của “Mẹ đỡ đầu”, cũng như nguyện vọng của gia đình và trẻ mồ côi để việc hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ được đảm bảo sự ổn định về môi trường sống, tâm lý của trẻ. Với mong muốn toàn bộ trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm chăm sóc ngay sau khi rà soát thu thập được, để hoàn thành chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ trong năm 2023 góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đầu năm 2023, BTV Hội LHPN huyện đã báo cáo, tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành công văn hưởng ứng chương trình triển khai đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Sau hơn 1 năm thực hiện, tính đến tháng 8/2023 toàn huyện có 103/103 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần được bảo trợ, đỡ đầu (đạt 100%), mỗi cháu nhận đỡ đầu 500.000đ/ tháng và cùng với nhiều phần quà thiết thực có ý nghĩa. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, sự lan tỏa của chương trình đã thực sự nhận được sự tin tưởng của các tổ chức, cá nhân và chạm đến trái tim của những tấm lòng hảo tâm, ngoài số tiền trao đỡ đầu hàng tháng (500.000đ/cháu) các “mẹ đỡ đầu” và một số tổ chức, cá nhân mặc dù không nhận đỡ đầu nhưng thấy được ý nghĩa của chương trình đã chủ động kết nối và tặng quà cho trẻ em mồ côi nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024 (mỗi suất từ 200.000đ đến 500.000đ, đặc biệt có 2 cháu được nhận 2.000.000 đồng/ cháu). Để chương trình “mẹ đỡ đầu” huyện Văn Giang được bền vững, với vai trò là cầu nối chúng tôi thường xuyên rà soát và bổ sung thêm các trường hợp phát sinh trên địa bàn (từ tháng 8/2023 đến hết tháng 5/2024 có thêm 7/7 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu) cũng như đảm bảo việc 100% các trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu không để xảy ra thiếu sót, chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở quan tâm, chăm sóc, động viên tinh thần, hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân, giúp các em có được hơi ấm tình thân từ người mẹ thứ hai. Đồng thời thường xuyên thông tin 2 chiều giữa “mẹ đỡ đầu” và “con mồ côi” để Chương trình thực sự là cầu nối yêu thương - đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con.

 Hội LHPN huyện Văn Giang tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trao đỡ đầu cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình học tập và làm theo Bác được chú trọng, chủ động thực hiện. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội lựa chọn nội dung phù hợp để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, lấy ý kiến tham gia của cán bộ, hội viên trong lựa chọn những mô hình học và làm theo Bác phù hợp, dựa trên cơ sở nhu cầu của hội viên phụ nữ tại địa phương, gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm. Bên cạnh các mô hình tiết kiệm, hỗ trợ phụ nữ nghèo, an sinh xã hội thì còn nhiều mô hình hiệu quả trên các lĩnh vực, như: Tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế; chuyển đổi số; giám sát, phản biện xã hội; tập hợp hội viên phụ nữ...Những mô hình điển hình có thể kể đến như: Hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa; tặng vườn cây sinh kế; sản xuất sản phẩm đạt chất lượng OCOP; gia đình 5 không, 3 sạch; văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; phân loại rác thải tại gia đình; chi hội phụ nữ xanh - sạch - đẹp; đặc biệt là mô hình biến rác thành tiền của HTX thương mại dịch vụ và nông nghiệp Long Hưng, mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả, rau xanh…từ xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO của hội viên phụ nữ xã Phụng Công; hiện nay, toàn huyện đã có 5.400 hộ thực hiện phân loại, 1.896 hộ thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.

Sự lan toả của các mô hình, điển hình đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện và nỗ lực đóng góp sức mình trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của phụ nữ. Qua đó, thiết thực đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Hội LHPN huyện Văn Giang

Tin liên quan