Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng đã đi thăm mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” và kiểm tra việc thực hiện Đề án “Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026” (Đề án) do Hội LHPN tỉnh đề xuất, chủ trì.
Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình gia đình hội viên phụ nữ dùng máy xay đa năng được Hội LHPN tỉnh cấp để xay rác hữu cơ và xay thức ăn chăn nuôi tại thôn 5, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đã đến thăm mô hình và kiểm tra việc thực hiện Đề án tại xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng đã kiểm tra việc thực hiện Đề án tại xã Nhật Tân (Tiên Lữ) và xã Hiệp Cường (Kim Động). Tham gia các đoàn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Hội Nông dân tỉnh.
Qua thăm trực tiếp các mô hình tại cơ sở, đồng thời nghe Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án, các ý kiến thảo luận, bổ sung của Chủ tịch Hội LHPN các huyện trực tiếp được kiểm tra, ý kiến phát biểu của các ngành chức năng liên quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá cao kết quả bước đầu thực hiện Đề án của Hội LHPN trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai Đề án được tổ chức bài bản, được các cấp ủy, chính quyền vào cuộc chỉ đạo sát sao, bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện các nội dung Đề án. Nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt bằng men vi sinh IMO ngày càng được nâng lên, kết quả thực hiện Đề án có tính lan tỏa trong cộng đồng. Có nhiều mô hình điểm, cách làm hay đã được cơ sở sáng tạo trong quá trình triển khai Đề án như: mô hình thu gom rác ở chợ về để ủ làm phân bón; mô hình 10 hộ liền kề thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ; mô hình trồng cây dược liệu từ rác hữu cơ; mô hình xay rác hữu cơ và xử lý rác bằng IMO, xay rác trộn với IMO, cám, ngô… để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm…
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh IMO tại thôn Linh Hạ, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; đổi mới, đa dạng phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; quan tâm, hướng dẫn người dân xử lý đúng quy trình từ phân loại đến xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Đồng thời, yêu cầu ngoài các xã được chọn làm điểm, các huyện nhân rộng Đề án ra các thôn, các hộ dân còn lại. Khi triển khai cần tuân thủ đúng quy trình xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng các khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ngày 19/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026” (viết tắt là Đề án 178). Đề án được triển khai tại 161 cơ sở trên địa bàn tỉnh, với những mục tiêu của Đề án đề ra đó là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi, thói quen của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên, phụ nữ, nhân dân thực hiện ứng dụng công nghệ làm vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra các khu rác tập trung, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, phục vụ chăm bón cho cây trồng tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững; Đề án tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; Xây dựng mô hình “Phụ nữ phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”; Triển khai, hỗ trợ xây dựng một số mô hình bảo vệ môi trường; Phối hợp với UBND các cấp, Công ty Cổ phần Môi trường & Công trình đô thị trong triển khai thực hiện Đề án... Với vai trò trách nhiệm được giao là đơn vị chủ trì, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện Đề án.
Mỗi hộ tham gia đề án được hỗ trợ 100.000 đồng mua nguyên liệu sản xuất chế phẩm men vi sinh IMO để xử lý rác. Các hộ gia đình được tập huấn, hướng dẫn tham gia sản xuất chế phẩm men vi sinh IMO, phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn và biện pháp xử lý rác thải thành phân bón. Qua tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ và nhân dân đã từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác vệ sinh môi trường; giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường. Từ nguồn rác thải được xử lý thành phân bón đã góp phần giúp các hộ sản xuất giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay toàn tỉnh có 40 cơ sở của 10 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện, có 16.749 hộ tham gia thực hiện/24.000 hộ gia đình đăng ký thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình (đạt 69,8%), trong đó có 14.580 hộ (đạt 60,7%) thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO. Lượng rác thải ra ngoài môi trường giảm trên 50%.
Nguồn: Cổng Thông tin Hội LHPN Việt Nam
|