Năm 2023, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ, không ngừng nỗ lực, bám sát thực tiễn và chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở”, chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2023 với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo và Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cùng các đại biểu trao đổi bên lề sự kiện
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ, không ngừng nỗ lực, bám sát thực tiễn và chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở”, chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2023 với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng.
Báo cáo công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2023 tại Hội nghị Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: Điểm nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành năm 2023 là đổi mới hoạt động Hội theo hướng chủ động, tập trung, hướng về cơ sở; tổ chức song song các hoạt động chuyên sâu và hoạt động bề nổi bắt kịp xu thế phát triển, phù hợp với thực tế; chú trọng công tác phối hợp trong tổ chức.
Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Thị Thu Thảo trình bày báo cáo công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2023
Chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở” được triển khai gắn với hai khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” và “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh”.
Các cấp Hội triển khai thực hiện chủ đề năm bằng nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng hành cùng cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ phụ nữ. Trong năm, các cấp Hội đã tổ chức 4.733 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 24.280 cán bộ Hội chuyên trách và 13.900 Phó Chủ tịch Hội cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội trong tổ chức hoạt động, nhiều tỉnh, thành đã đảm bảo 100% cơ sở Hội có máy tính kết nối mạng; hoạt động hỗ trợ phụ nữ qua Tổ công nghệ số cộng đồng được chú trọng quan tâm. Đặc biệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an đã ký kết phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030” kết nối dữ liệu cán bộ, hội viên phụ nữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hội LHPN Việt Nam và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Đề án 06/CP
Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” (PTTĐ) được triển khai sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi. 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị đã cụ thể hóa nội dung của 4 tiêu chí PTTĐ (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội) gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Nhiều tỉnh, thành sáng tạo, linh hoạt trong việc lựa chọn tiêu chí thực hiện. 100% Hội LHPN cấp cơ sở (10.858) duy trì ít nhất một loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe. Trong năm, đã có 72.546 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được phát hiện, tuyên truyền và biểu dương, trong đó có 15.477 tập thể, 47.989 cá nhân được các cấp Hội khen thưởng và đề nghị các cấp khen thưởng.
Các hoạt động giáo dục truyền thống được tổ chức sâu rộng trong các cấp Hội
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” triển khai toàn diện, đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ và người dân nông thôn.
Sự kiện “Tuần lễ Áo dài” năm 2023 được nhiều người hưởng ứng, đã góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa giá trị Áo dài trở thành Di sản văn hóa Việt Nam. Trong năm đã có gần 35.000 bộ áo dài, hơn 14.000 phần quà, trị giá gần 19 tỷ đồng được trao tặng cho phụ nữ, trẻ em gái nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cả nước đã huy động được gần 49 tỷ, hỗ trợ duy trì, thành lập 512 mô hình sinh kế. Đến tháng 11/2023, các cấp Hội đã vận động hỗ trợ 318 nghìn hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; 685,562 hộ sử dụng nước sạch; đã có 5.598 hộ được giúp đạt 8 tiêu chí 5 không, 3 sạch; thực hiện 5.652 công trình, phần việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, vận động xây dựng Mái ấm tình thương, tổng giá trị tiền, quà Tiếp bước cho em đến trường/khuyến học tặng cho học sinh nghèo vượt khó đạt 76,72 tỷ đồng; có 433.644 học sinh được hỗ trợ, nhận quà tiếp bước/khuyến học. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tính lũy kế đến tháng 11/2023 đã vận động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi.
101 cặp Mẹ - Con tiêu biểu từ 39 tỉnh, thành trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” gặp gỡ, giao lưu tại Gala tổng kết Trại hè “Hoa hướng dương”
Năm 2023, các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được thúc đẩy mạnh mẽ, đổi mới về chất theo hướng hỗ trợ toàn diện, tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp, các nguồn lực xã hội và sự chủ động của hội viên, phụ nữ. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 trên phạm vi toàn quốc, thu hút gần 4.000 dự án khởi nghiệp tham gia. Các cấp Hội tổ chức được 21.331 cuộc tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sản xuất kinh doanh cho gần 16 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ kết nối giao thương, khởi nghiệp hiệu quả trên nền tảng số.
Hội LHPN Việt Nam tiếp tục giữ vững “6 nhất” trong hoạt động ủy thác. Tính đến 31/10/2023 với dư nợ trên 117 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 38,2%, vượt chỉ tiêu đề ra (35%); 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách - xã hội có hoạt động tiết kiệm; tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,13 - 0,15% dưới mức 1%. 49/63 tỉnh đang quản lý 108 chương trình, dự án tài chính vi mô ở cấp tỉnh với tổng số dư nợ 1.700 tỷ đồng cho gần một triệu phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. TYM đã hỗ trợ hơn 201.000 phụ nữ tiếp cận vốn với dư nợ khoảng 2.700 tỷ đồng. Tính đến 30/11/2023, các cấp Hội ước giúp 68.786 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo dưới nhiều hình thức; hỗ trợ thành lập mới 209 hợp tác xã.
Tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh
Năm 2023, có 728 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị buôn bán được phát hiện, đã giúp đỡ hỗ trợ 618 trường hợp tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội.
Các cấp Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Các cấp Hội đã tổ chức được 5.366 cuộc đối thoại; chủ trì, phối hợp giám sát trên 10 nghìn chính sách, các kiến nghị, đề xuất của Hội sau giám sát đều được cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành tiếp thu, ghi nhận. Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất lồng ghép bình đẳng giới vào 4 nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và 5 nội dung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hoạt động vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới được đổi mới. Trong đó, Dự án 8 “Bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được các cấp Hội triển khai rộng rãi và có nhiều đổi mới, trong đó tập trung triển khai các mô hình, hoạt động chỉ đạo điểm, đặc biệt là các mô hình dựa vào cộng đồng. Tính đến tháng 11/2023 đã thành lập 5.477 Tổ truyền thông cộng đồng, 703 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 50 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã, thành lập và củng cố 876 địa chỉ tin cậy; hỗ trợ, tư vấn 1.400 phụ nữ, trẻ em địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 376 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản…
Dự án 8 “Bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được các cấp Hội triển khai rộng rãi và có nhiều đổi mới
Công tác thu hút, tập hợp hội viên đạt được nhiều kết quả mới, nhiều tỉnh, thành vượt chỉ tiêu ở mức cao, trong đó việc xây dựng và phát triển hội viên danh dự là một trong những điểm mới. Theo báo cáo, tính đến thời điểm này, đã có 55 Hội LHPN tỉnh, thành phố tổ chức kết nạp, công nhận 20.500 hội viên danh dự, đa phần là nam giới, đóng góp và ủng hộ tích cực cho các hoạt động Hội…
“Năm 2023, phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác Hội tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, các chỉ tiêu trong năm cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đỗ Thị Thu Thảo cho biết.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam